95. MÓNG ĐƠN, MÓNG BĂNG HAY MÓNG CỌC?
Câu chuyện thật của một nhà thầu. Thành công? Thất bại? Có thể bạn sẽ chẳng học được gì qua những câu chuyện thành công, thất bại này. Nhưng chắc chắn bạn sẽ thấy bóng hình mình trong đó, nếu bạn từng làm thầu, từng vui mừng khi nhận công trình, từng cay đắng lê bước ra khỏi căn nhà tuyệt vời mà bạn vừa hoàn thành, và gặm nhấm lời nguyền của dân xây dựng: "Bạc như vôi ..."
NiceHouse: Tia lửa từ đống tro tàn
95. MÓNG ĐƠN, MÓNG BĂNG HAY MÓNG CỌC?
- Nhà anh có nên đóng cọc không?
Nhiều người cứ nghĩ rằng đóng (ép) cọc là tốt. Thực ra, chủ yếu nó phụ thuộc vào nền đất và điều kiện thi công. Nếu đất tốt thì không cần và cũng không nên đóng (ép) cọc. Đất yếu thì bắt buộc phải xử lý (chẳng hạn khu vực quận 7 hoặc quận 8).
Trong mọi trường hợp thì cũng chỉ nên tính toán đủ chịu lực thôi, chứ không phải tư duy kiểu mấy bác mới giầu: “Ừ thì nền đất tốt em bảo không đóng cọc cũng được, nhưng em cứ đóng cho chắc vì anh muốn ăn chắc mặc bền cho đời con đời cháu với lại mấy chục đời sau nữa...”
Nhưng cũng có nhiều trường hợp do điều kiện thi công (sợ không an toàn cho nhà xung quanh, lún nứt hoặc sự cố đổ nọ kia ...) bắt buộc phải làm móng cọc.
Hiện ở Sài Gòn đang sử dụng 2 loại cọc chính là cọc ép (cọc vuông hoặc cọc tròn BTCT dự ứng lực) và cọc khoan nhồi. Chi phí tùy địa chất nhưng vào khoảng 1.500.000đ tới 3.000.000đ/m2 nền nhà. (Nhiều chủ nhà cứ quen mồm nói là đóng cọc, thực ra là ép. Đóng chỉ thực hiện ở khu vực xa dân cư, chứ ở gần mà đóng thì đền nhà người ta lún nứt thí mẹ luôn)
Nếu làm bài bản thì phải khoan địa chất rồi người kỹ sư mới có số liệu để quyết định làm loại móng nào, móng lớn bé ra sao hay số cọc là bao nhiêu cọc thì đủ ... Nhưng chi phí này cũng khá cao, khoảng từ 10.000.000đ tới 15.000.000đ/ lần khoan và thí nghiệm nên cũng ít nhà làm. Đa số dựa vào kinh nghiệm từ những công trình lân cận hoặc địa chất chung của khu vực. Chẳng hạn khu Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân đất khá tốt, nhất là khu sân bay, đất sỏi đỏ không, chịu lực rất tốt nên có thể làm móng khá nhỏ vẫn chịu lực tốt. Bình thạnh thì có một phần gần sông đất sình lầy, phải ép cọc sâu có khi tới hai mấy ba chục mét, phần còn lại đất rất tốt. Q1, Q3, Q10 đất tốt. Q7, Q8, Nhà bè đất sình lầy, ép cọc có chỗ trên 30-40m chưa xi nhê gì.
Phần này tôi giành cho Kỹ sư làm việc với anh Hà. Nhưng cũng kiểm tra chéo để tránh sai sót:
- Tính tổng tải trọng nhà bằng cách lấy tổng m2 sàn nhân với 1-1.2 tấn/m2. Trường hợp nhà cao, hẹp (tường xây nhiều) có thể lên tới 1.4-1.5 tấn/m2.
- Nếu dùng cọc, mỗi cọc 250x250 (hoặc cọc BTCT DƯL D300 hoặc cọc khoan nhồi D300) chịu được khoảng 35 tấn. Lấy số cọc nhân với 35 tấn xem có tương đương với tổng tải trọng nhà hay không (thường là lớn hơn khá nhiều, vì hệ số an toàn và tải trọng không đều ở mỗi móng).
- Nếu dùng móng đơn (hoặc móng băng): Cũng lấy tổng diện tích móng nhân với khả năng chịu lực của đất xem tổng các móng chịu được bao nhiêu tấn.
+ Khu vực đất thịt (lấy xẻng xắn được nhưng hơi khó) chịu được vào khoảng 10-12 tấn/m2.
+ Khu vực đất thịt cứng (phải dùng cuốc) chịu được vào khoảng 14-16 tấn/m2
+ Các khu vực đất tốt, sỏi đỏ đá ong ... chịu được trên 20 tấn/m2.
Nói chung cái này chỉ để kiểm tra thôi, chứ việc ai nấy làm, kỹ sư họ sẽ rành rẽ cái này hơn, nên tin tưởng và giao cho họ chứ cứ xía mũi vào họ cũng không vui.
----------------------
dtPro MyHouse - Báo giá nhanh, dễ trúng thầu và thi công có lời