LỰA CHỌN CÁCH GIAO THẦU?
Đây là một trong số những bài tư vấn trên Sài Gòn Tiếp Thị của KS. Trần Chiến Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng DỰ TOÁN. Có khác biệt đôi chút giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ kỹ thuật. Có thể xem nguyên văn bài trên SGTT tại đây
Hiện tại, có 3 cách giao thầu phổ biến như sau:
- Giao nhân công: Cách này tương đối phổ biến. Ưu điểm là chủ nhà tự mua vật tư nên yên tâm về chất lượng và chủng loại vật tư, không lo bị nhà thầu “tiết kiệm” quá mức, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Giá thành công trình thường rẻ hơn, nếu chủ nhà biết cách mua, quản lý vật tư và thợ làm tốt, không hao phí nhiều. Nhược điểm là chủ nhà phải mua, vận chuyển, bảo quản vật liệu, mất thời gian và cả … sức khỏe. Hơn nữa, chủ nhà thường phải mua với giá cao hơn nhà thầu và công nhân thường có xu hướng hao phí vật liệu nhiều hơn nên thực chất cũng không rẻ hơn nhiều lắm, thậm chí bằng hoặc mắc hơn.
- Giao thầu trọn gói: Những người ít thời gian thường chọn cách này. Ưu điểm là tiện lợi, không phải lo trông nom vật liệu, nhà thầu được chủ động trong công việc. Nhược điểm là giá thường cao, kiểm soát chất lượng và chủng loại vật tư khó khăn, chủ nhà không được thoải mái lựa chọn, thay đổi chủng loại vật tư. Nếu gặp phải nhà thầu không tốt còn có thể bị bớt xén, tráo đổi chủng loại vật tư ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
- Giao thầu từng phần: Kết hợp được ưu điểm của 2 cách trên. Thường là giao thầu nhân công và các vật liệu phần thô, chủ nhà tự mua vật liệu hoàn thiện. Ưu điểm của cách này là các vật liệu khó mua, khối lượng lớn như xi măng, cát, đá, gạch thì do thầu cung cấp, các vật liệu dễ mua, dễ bảo quản như gạch lót, cửa, thiết bị vệ sinh … chủ nhà tự mua nên chủ nhà có toàn quyền lựa chọn và thay đổi mà không sợ phiền hà. Nếu muốn, chủ nhà có thể giao thêm từng phần vật liệu hoàn thiện cho thầu. Chủng loại, cấp phối vật liệu phần thô cũng tương đối dễ kiểm soát, giá cả ổn định nên rất thuận lợi giao thầu và quản lý. Tất nhiên, giá thành theo cách này vẫn thường cao hơn cách giao thầu nhân công nhưng có thể chấp nhận được.
Vậy, lựa chọn cách nào?
Tùy nhu cầu và hoàn cảnh của bạn, bạn có thể lựa chọn theo gợi ý như sau:
- Nếu bạn có thời gian và sức khỏe, bạn muốn xây dựng một căn nhà chắc, bền theo đúng ý bạn và nguồn tài chính không được dồi dào lắm thì bạn nên giao theo cách thứ 1.
- Nếu bạn hạn hẹp về thời gian, nguồn tài chính không hạn hẹp lắm thì có thể giao khoán theo cách 2. Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn 2 điều: Có một thiết kế - dự toán thật chi tiết và nhà thầu thạo nghề, có lương tâm.
- Theo chúng tôi, cách thứ 3 là cách tiện lợi nhất mà giá thành cũng chấp nhận được. Bạn vẫn có thể kiểm soát được chất lượng và giá thành công trình mà cũng không vất vả mua và bảo quản tất cả các loại vật liệu.
Các bước tiến hành:
- Sơ tuyển nhà thầu: Hãy chắc chắn rằng, nhà thầu bạn chọn đủ khả năng và uy tín để thực hiện tốt công trình cho bạn. Bạn hãy đi tham quan một vài công trình nhà thầu đó đã làm, quan trọng nhất là hỏi thăm chủ nhà về tư cách và khả năng của nhà thầu. Bạn hãy chọn 2 - 3 nhà thầu để so sánh.
- Lập 1 dự toán công trình: Nếu bạn giao phần thô và tự mua vật liệu hoàn thiện thì phần quan trọng nhất là bản dự toán các vật liệu hoàn thiện để bạn có thể dự trù chi phí và lên kế hoạch mua sắm. Danh sách vật liệu cũng rất hữu dụng trong quá trình thi công để bạn có thể theo dõi và kiểm soát các chi phí. Tuy nhiên, bản dự toán phần nhân công và vật liệu thô cũng rất cần thiết giúp bạn xác định giá giao thầu, quản lý và giám sát nhà thầu trong khi thi công.
- Lựa chọn nhà thầu: Đương nhiên, giá cả nhà tiêu chí quan trọng nhất. Nhưng phải kết hợp với các yếu tố khác như uy tín, kinh nghiệm, phương tiện thi công … để lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn cũng phải lưu ý các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng và thời hạn ứng tiền (Nhiều nhà thầu ghi toàn những điều có lợi cho họ, ứng tiền nhiều hơn khối lượng mà họ đã thi công ...)
- Quản lý công trình: Nếu bạn đã giao khoán phần thô thì bạn chỉ phải giám sát chặt chẽ chất lượng, cấp phối vật tư, chất lượng thi công công trình. Thường, nhà thầu sẽ không tính phát sinh nếu diện tích xây dựng không thay đổi. Vì vậy, căn cứ hợp đồng phần thô với nhà thầu và danh sách vật liệu hoàn thiện, bạn có thể biết chính xác giá thành xây dựng. Sau khi mua mỗi loại vật liệu, bạn nên so sánh với dự toán để biết giá trị vật liệu đó tăng hay giảm ra sao
KS. Trần Chiến Thắng
----------------------
dtPro MyHouse - Báo giá nhanh, dễ trúng thầu và thi công có lời