KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP XÂY DỰNG (Buổi 11)
Khi bạn giao khoán, điều khoản đầu tiên là yêu cầu thầu phụ KHÔNG ĐƯỢC HÉ MÔI về vụ khoán lại, chỉ coi như là người của công ty và làm cho công ty thôi. Nhưng tin tôi đi, thế nào chủ nhà cũng sẽ biết, không bằng hình thức này thì hình thức khác. Kể cả thầu phụ thực hiện đúng cam kết là không hé môi, nhưng qua những biểu hiện ở công trình thì chủ nhà ngu mấy cũng đoán ra. Chưa kể nhiều thầu chủ động phun ra.
Livestream KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP XÂY DỰNG tối nay (16/4), buổi 11: CÓ NÊN KHOÁN HAY KHÔNG?
➡️ Thực ra ở phần trước, các cách tổ chức quản lý công trường cũng đã đề cập tới việc khoán này. Nhưng chỉ lướt qua. Dự định là đi một vòng các kiến thức cơ bản, như dự toán báo giá, thuyết phục khách hàng, quản lý tài chính … xong rồi mới quay lại. Mà nhiều anh em quan tâm nên làm luôn.
➡️ Rất nhiều anh em ca thán vụ đã khoán là bể. Kể cả trải nghiệm của tôi, lúc trước cũng nhận rồi khoán lại mấy cái và bể, nên khi triển khai NiceHouse, nguyên tắc hàng đầu của tôi là: KHÔNG KHOÁN.
➡️ Ở các công trình lớn, hình thức khoán rất phổ biến. Nhà thầu chính (Tổng thầu) chịu trách nhiệm tổ chức và kiểm soát công việc, rồi giao khoán lại cho (các) nhà thầu. Phần chênh lệch chính là chi phí cho việc tổ chức và kiểm soát công việc.
➡️ Nhưng với nhà dân, quy mô nhỏ, ý nghĩa của việc tổ chức và kiểm soát công việc rất mờ nhạt. Chủ nhà thường có rất nhiều thời gian ở công trường và nhìn sự việc với con mắt của người không trong nghề. Nên việc khoán, bất kể hình thức nào đều là bán thầu. Kể cả khi bạn mua vật tư rồi khoán nhân công (thế thì mày chỉ là thằng buôn bán vật tư chứ xây dựng thằng kia nó làm hết …)
➡️ Một số anh em giao khoán, nhưng khá vô trách nhiệm. Khoán (bán công trình) xong rồi, lụm phần chênh là phủi tay. Chủ nhà với thầu phụ tự xoay sở với nhau. Nên để lại tiếng rất xấu.
➡️ Khá nhiều, nếu không muốn nói đa số người đi nhận thầu xong khoán lại là người không chuyên nghiệp. Có cơ hội (quen biết, làm thiết kế, tư vấn chủ nhà nên được tin tưởng ...) thì cứ nhận, nhưng không cần quan tâm tới GIÁ THÀNH công trình. Cứ áng đại đơn giá m2 nhận đại, rồi khoán lại. Mình ăn %, còn lời lỗ thằng nhận khoán nó chịu cơ mà. Giá không có ăn, thằng nào kinh nghiệm rồi thì nó lắc đầu, mấy thằng đói việc mới nhảy vào nhận đại. Cuối cùng chết chùm.
➡️ Đứng ở góc độ chủ nhà, khi biết bạn khoán lại, người ta sẽ có cảm giác là bị ăn cắp. Về lý thuyết, bạn nhận rồi khoán lại thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, các chi phí gián tiếp ... nhưng chủ nhà không cần biết những cái đó. Họ chỉ đau đáu nỗi đau của họ, là ký với bạn rồi bạn bán lại, cắt mất của người ta 5%-10%.
➡️ Thầu phụ trực tiếp làm sẽ gần gũi chủ nhà hơn, chủ nhà thấy anh ta trực tiếp điều hành, giải quyết mọi yêu cầu của chủ nhà nên đến cuối công trình, ANH đó mới là người có công chính. Còn bạn, chỉ còn là THẰNG thầu bán thầu mà thôi.
➡️ Khi bạn giao khoán, điều khoản đầu tiên là yêu cầu thầu phụ KHÔNG ĐƯỢC HÉ MÔI về vụ khoán lại, chỉ coi như là người của công ty và làm cho công ty thôi. Nhưng tin tôi đi, thế nào chủ nhà cũng sẽ biết, không bằng hình thức này thì hình thức khác. Kể cả thầu phụ thực hiện đúng cam kết là không hé môi, nhưng qua những biểu hiện ở công trình thì chủ nhà ngu mấy cũng đoán ra. Chưa kể nhiều thầu chủ động phun ra.
➡️ Thầu phụ lúc nhận khoán, ai cũng ôi anh giao việc cho em, em đội ơn anh lắm. Anh cứ yên tâm, em làm chủ nhà chỉ có khen. Cứ đến kỳ là đến lấy tiền, đảm bảo chủ nhà không bao giờ kêu ca một tiếng. Thường thì hết phần thô vẫn chưa vấn đề gì. Nhưng càng về cuối sẽ càng phát sinh nhiều vấn đề. Thầu phụ ứng lúc đầu nhiều, xài hết, hụt tiền, chậm tiến độ. Đôi khi nhận nhiều cái khác nữa, lấy tiền công trình của mình nuôi công trình bên kia, hụt tiền, chết chùm. Nhận nhiều, không chú tâm, xảy ra hư hỏng, đổ thừa qua lại.
➡️ Khi khoán, mình không kiểm soát được thầu phụ. Họ nhận thêm bao nhiêu công trình là quyền của họ. Năng lực họ không có, nhưng họ vẫn tham nhận thêm là bỏ bê công trình của mình. Quân cán ngon rút hết sang bên kia, tiền bạc mình ứng cũng bị chia sang. Thành ra thiếu hụt rồi chậm trễ.
➡️ Rủi ro nữa là năng lực thầu phụ. Tất nhiên khi chọn thầu phụ mình đã kiểm tra năng lực rồi. Nhưng thấy công trình đó họ làm tốt, tới lúc làm cho mình có khi lại rất kém, vì lúc trước họ có cai, đội nhân công ngon. Giờ đội đó nghỉ rồi, hoặc tiền nong không sòng phẳng họ đi đầu quân cho người khác … Rồi gặp trúng thầu sa đà vào mấy cái đỏ đen, chơi bời cũng mệt nữa.
➡️ Khi làm xong, thì thầu phụ mới là người làm thầu. Và khi có người bạn hay quen nào làm nhà thì chủ nhà sẽ giới thiệu thầu phụ, còn bạn thì "ôi giời, thằng đó chỉ nhận rồi cắt lại %, ngu gì mà giao cho nó".
➡️ Bạn nhận thầu, nhưng trực tiếp ở dưới công trường là thầu phụ. Có việc gì xảy ra, lúc đầu chủ nhà cũng gọi bạn. Nhưng do bạn không nắm được, nên lại phải gọi cho thầu phụ hỏi. Lòng vòng và cuối cùng, thầu phụ vẫn là người giải quyết. Chủ nhà thấy vậy, lần sau nói trực tiếp với thầu phụ cho xong.
➡️ Thấy bị qua mặt, bạn cấm thầu phụ làm việc trực tiếp với chủ nhà. Càng làm khoét sâu mâu thuẫn.
➡️ Thầu phụ lúc nhận với bạn, thì thấy thôi mình nhận lại giá vậy cũng được rồi. Nhưng sau thấy phải vất vả ở công trường, mà "nó" chẳng phải làm mẹ gì, tới kỳ thanh toán vác mặt đến lấy tiền, bắt đầu ấm ức. Thậm chí lấy được tiền chủ nhà mà lại không đưa họ. Rồi thành tức tối và chọc ngoáy.
➡️ Chủ nhà thường có tâm lý xây nhà thì muốn êm xuôi, sợ nếu làm mất lòng thầu thì thầu chơi xấu (xây gạch ngược ...) nên cố gắng lấy lòng thầu phụ, và chỉ nghe thầu phụ.
➡️ Thầu phụ được đà, làm nhiều việc ngoài giới hạn. Phát sinh phát đẻ tùm lum đẽo tiền chủ nhà. Thầu chính bó tay, không chế ngự được. Nhiều khi có những việc phát sinh chỉ đáng vài triệu, nhưng thầu phụ hét vài chục triệu. Bạn không cứng, là bó tay. Vì khó mà mang quân khác tới mà làm mấy việc vậy lắm, rồi đụng chạm …
Nói chung còn tùm lum chuyện.
Vậy có cách nào kết hợp được hai bên không? Vì nhu cầu là có:
➡️ Các anh em làm mảng khác (thiết kế, nội thất …) khi nhận được công trình luôn muốn kiếm thầu phụ, vì họ không có quân, không có đồ. Triển khai làm thì không phải thế mạnh của họ.
➡️ Anh em làm xây dựng mạnh rồi, ký được thêm cũng muốn triển khai một số công trình dạng thầu phụ.
➡️ Do công việc xây dựng có tính thời vụ, không thể nuôi lính ruột nhiều, nên lúc nhiều việc cũng cần tìm thầu phụ
➡️ Anh em làm thầu thì đương nhiên, luôn muốn nhận thêm việc làm. Làm thầu phụ tuy lợi nhuận sẽ không bằng làm trực tiếp với chủ nhà, nhưng nếu có việc đều thì cũng rất tốt.
Vậy những vướng mắc là gì? Làm sao giải quyết được những vướng mắc đó để 2 bên kết hợp với nhau, mang lại lợi ích cho cả 2, và cho cả chủ nhà.
Tôi đã cố gắng tìm hiểu và tư vấn cho nhiều anh em, và họ cũng từng bước áp dụng và đạt được những hiệu quả nhất định. Chia sẻ với anh em, mong anh em áp dụng và chia sẻ lại với tôi kinh nghiệm để tôi nói lại trong các buổi livestream sau nhé.
Video livestream Kinh nghiệm khởi nghiệp xây dựng tại đây
Full các chapter sách Kinh nghiệm khởi nghiệp xây dựng đã viết tại đây
www.thangdutoan
----------------------
dtPro MyHouse - Báo giá nhanh, dễ trúng thầu và thi công có lời