Nicehouse: Tia lửa từ đống tro tàn. Phần 14. CHOM SO ROM
Đang đứng coi trộn BT, thấy thằng bê đá hỏi thằng bê cát: “Chom so rom” hay đại khái thế, vì mình có biết tiếng dân tộc đâu. Thằng kia biết nó dịch ra là: “Mấy thùng rồi mày”.
Rất nhiều đội đổ BT toàn người dân tộc. Họ rất khỏe, làm khoán nên một ngày họ có thể chạy sô 2, 3 cuốc, xong chỗ này lại ào sang chỗ kia.
Hồi mới ra trường, nằm trạm trộn bê tông tươi với thằng Q. Cận, thấy bọn nó tính cấp phối mỗi ngày, nào là độ ẩm bao nhiêu thì đá bao nhiêu kg, cát bao nhiêu kg, lẻ tới mấy chữ số. Máy móc cân đo tự động, đúng bao nhiêu kg cát, bao kg đá để chất lượng BT được đảm bảo. Sai số đâu như có 1%.
Nhớ lại hồi học, chết lên chết xuống lúc học môn Vật liệu Xây dựng, thi đi với thi lại 2 lần đều gắp được 2 lần cái câu hỏi khỉ gió gì mà có cái tính tỉ lệ N/X (Nước/Xi măng) xong tính toán loằng ngoằng một đống công thức bao gồm cả độ lọt sàng với độ ẩm lum la rồi mới ra khối lượng cát đá xi măng.
Giờ thấy hệ thống cân đo này lắc đầu luôn. Có hôm mình vui vui bảo thằng đứng máy trộn: “Sao mày không đổi thằng bê cát nó bê đá, tao thấy nó khỏe hơn thằng kia”. Nó bảo: “Không không không được đâu! Thằng đấy cho bê cát vì nó mới biết đếm đến 4 thôi, thằng bê đá yếu hơn chút nhưng nó biết đếm đến 7”. (trộn BT là 1 bao xi 4 thùng cát 7 thùng đá)
Thấy kiểu đong cấp phối này rất hên xui. Lúc khỏe thì xúc đầy, mệt mệt xúc vơi. Gặp thằng nói lắp đếm cứ “bốn … bốn … bốn …” mãi thì bỏ mịa. Muốn làm sao có cách đong đo tin cậy hơn một chút, mà khó.
Bàn nhau mãi, anh Tú bảo: “Giờ anh em nó quen thế rồi, thôi cứ vậy đã. Sau khi vào guồng rồi thì thay đổi sau”. Nghĩ rằng giờ xi măng nhiều nên dù có đong đo như vậy thì mác vữa cũng ổn. OK.
Thực ra, trong lòng tôi rất muốn làm chuẩn ngay từ đầu. Nhưng giá thành sẽ tăng tới 20%-30%, chứ không phải 10% nữa. Thôi đành vậy.
NiceHouse: Tia lửa từ đống tro tàn #thangdutoan #nicehouse #tialuatudongtrotan
----------------------
dtPro MyHouse - Báo giá nhanh, dễ trúng thầu và thi công có lời