Các Lưu Ý Về Hợp Đồng
Đây là một trong số những bài tư vấn trên Sài Gòn Tiếp Thị của KS. Trần Chiến Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng DỰ TOÁN. Có khác biệt đôi chút giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ kỹ thuật. Có thể xem nguyên văn bài trên SGTT tại đây
Đây là một trong số những bài tư vấn trên Sài Gòn Tiếp Thị của KS. Trần Chiến Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng DỰ TOÁN. Có khác biệt đôi chút giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ kỹ thuật. Có thể xem nguyên văn bài trên SGTT tại đây
Bà Tám ngơ ngác: “Làm thì cứ kêu nó làm chứ có hợp đồng gì đâu? Tại nó là cháu tôi, kêu tôi bằng dì”.
Người Việt – và người châu Á nói chung thường thiên về “tình”, khác với người Tây Âu thiên về “lý”. Ngay cả khi có ký hợp đồng thì cũng ký cho có vậy chứ ít quan tâm đến các nội dung và điều khoản. Các hợp đồng thường do nhà thầu soạn nên đa số nghiêng phần lợi về nhà thầu. Do vậy, khi rắc rối nảy sinh, rất khó giải quyết.
TRƯỚC PHÁP LUẬT
Căn nhà, với mỗi chúng ta là tài sản lớn. Nhưng trước tòa án, đây lại là những vụ bé xíu. Cộng với truyền thống “duy tình”, thường các rắc rối đều do 2 bên tự giải quyết – mà thường phần thiệt thòi nghiêng về phía chủ nhà. Những vụ mang ra tòa thì cả 2 bên đều thiệt thòi – mà thiệt thòi lớn nhất là thời gian, công sức đi lại mà cuối cùng, chẳng bên nào “thắng” cả.
Vì vậy, nên cân nhắc các điều khoản của hợp đồng trước khi ký để công trình được thi công trôi chảy, tránh những rắc rối và những bất đồng không đáng.
CÁC ĐIỀU KHOẢN CẦN LƯU Ý
- An toàn: Thực ra, điều này gần như là bắt buộc đối với nhà thầu. Tuy nhiên, cũng cần ghi rõ trong hợp đồng để tránh tranh cãi. VD: “Nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm về an toàn lao động cho tất cả nhân viên của mình, cũng như tất cả những người hay đồ vật trong và ngoài phạm vi công trình, chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ công việc thi công xây dựng của nhà thầu”
- Giá trị hợp đồng: Phần này rất quan trọng nên cần phải ghi rõ cách tính toán (xem thêm về cách tính diện tích trong SGTT 7/10) vì nhiều khi, diện tích thực tế không hoàn toàn đúng với giấy phép hoặc có những thay đổi khi thi công nên cần phải biết rõ ràng cách tính để có thể tính lại diện tích cho chính xác.
- Không phát sinh: Nếu đã ký hợp đồng tính theo diện tích xây dựng thì phải yêu cầu nhà thầu cam kết rằng giá đó là giá trọn gói và không có phát sinh. Ví dụ: “Nhà thầu đã xem kỹ bản vẽ, hiện trường thi công và tất cả các yếu tố khác có liên quan và đồng ý rằng, đơn giá trên là đơn giá trọn gói và không có điều chỉnh giá trong quá trình thi công nếu như không có sự thay đổi thiết kế làm ảnh hưởng đến diện tích xây dựng và/hoặc có việc dỡ bỏ các phần việc đã hoàn thành để làm lại không do lỗi của nhà thầu”
- Thời hạn ứng tiền: Bạn không nên giao công trình cho nhà “thầu” mà chẳng có đồng xu teng vốn nào. Những nhà thầu bản lĩnh kém thường cố ứng thật nhiều để “lỡ có chuyện” thì thi hành bài “tẩu như phi”. Thường những thầu đàng hoàng, làm tốt đều bỏ vốn ra làm trước rồi ứng tiền sau. VD: Sau khi ký hợp đồng, ứng 5%; sau khi làm xong phần móng, ứng thêm 15%; sau khi làm xong tấm 1- 15%; sau khi làm xong mái - 15%; sau khi xây tô xong - 15%; sau khi ốp lát xong - 15%; sau khi hoàn thành, bàn giao - 15%. 5% còn lại có thể thanh toán sau 1 tháng hoặc sau khi hết thời hạn bảo hành.
- Bảo hành: Thời gian bảo hành nên là 12 tháng. Phần lớn các công trình hiện nay đều không giữ lại tiền bảo hành mà chỉ tin tưởng vào uy tín của nhà thầu. Đa số nhà thầu bảo hành nghiêm túc, nhưng cũng có nhiều trường hợp nhà thầu cố tình lờ các yêu cầu bảo hành. Vì vậy, để tránh rủi ro, nên giữ lại một phần nhỏ (3-5%) để làm tiền bảo hành và ghi rõ trong hợp đồng là nếu nhà thầu không đến bảo hành thì chủ nhà có quyền tự thuê thợ và lấy tiền bảo hành để trả.
- Chủng loại vật tư: Nên có bản phụ lục chi tiết chủng loại vật tư. Riêng vật tư hoàn thiện, nên có bản dự toán cụ thể chủng loại gì, số lượng và giá tiền là bao nhiêu để tránh tranh cãi trong quá trình thi công. Mặt khác, nếu chủ nhà không ưng ý thì có thể tự mua và chỉ cần trừ lại số tiền trong dự toán là xong.
KHI RẮC RỐI NẢY SINH
Lời khuyên chân thành là 2 bên nên cố gắng dàn xếp. Ra tòa là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng vì sẽ tốn thời gian rất nhiều của cả 2 bên. Các khoản án phí, lệ phí kiểm định cũng là đáng kể. Dù bên nào thắng thì cũng vẫn thua, nếu kể đến các thiệt hại kể trên.
Một điều cuối cùng là tất cả các giấy tờ thủ tục liên quan (chủ quyền, hợp thức hóa nhà …), bạn đều có thể nhờ một đơn vị khác làm giùm chứ không nhất thiết là phải nhà thầu đó mới được.
KS. Trần Chiến Thắng
----------------------
dtPro MyHouse - Báo giá nhanh, dễ trúng thầu và thi công có lời