Anak (Con yêu) - Freddie Aguilar
Đằng sau mỗi tuyệt tác đều có một câu chuyện. Và đôi khi chính câu chuyện khiến nó trở thành tuyệt tác
Mình nghe bài Con Yêu do ca sỹ Cẩm Vân viết lời Việt, và rất thích. Đâu đó thấy hình bóng của mình và cả thế hệ mình với những xung đột thế hệ về cách sống, cách nghĩ ... nhưng cuối cùng, tất cả vẫn hướng về gia đình.
Vì thực sự, đó là chốn bình yên nhất.
Anak: Lời sám hối của đứa con trở về
PNO - Chỉ một thời gian ngắn, 'Anak' được cover qua 59 phiên bản với 36 ngôn ngữ. Tại Việt Nam bài này rất nổi tiếng qua phiên bản Việt ngữ của Cẩm Vân (Con yêu). Từ đó trở đi Freddie trở thành một huyền thoại.
Đêm chung kết Liên hoan âm nhạc MetroPop ở Philippines ngày 30/3/1978 chứng kiến một kỷ lục chưa từng thấy. Sức nóng từ tiếng hò reo của 3 vạn khán giả bên dưới làm ban tổ chức đổ mồ hôi hột vì đây là lần đầu tiên lễ hội âm nhạc vinh danh tài năng trẻ được tổ chức và thành công vang dội.
Trong cánh gà là 13 tài năng đang thử giọng để chuẩn bị ra thi thố. Đúng ra là 14 người nhưng người còn lại thì không thử giọng, anh ta đang bận… cãi nhau với ban tổ chức. Vì sức ép phải thành công khiến những người làm chương trình muốn chàng ca sĩ này nhường sáng tác của mình cho nam danh ca Rico Puno thể hiện để có sức nặng và hơn hết, là an toàn. Đáp lại, với gương mặt đỏ bừng vì tức giận, chàng ca sĩ tóc dài bụi bặm gằn giọng “hoặc là tôi sẽ diễn hoặc sẽ bỏ về ngay lập tức”.
Chàng ca sĩ đó là Freddie Aguilar và sáng tác mà anh không cho ai đụng vào có tên khá ngắn gọn, Anak.
Giấc mơ không có thật
Ngày Freddie Aguilar quyết định dứt áo đi bụi, làm bạn với gió sương vào một buổi chiều năm 1970 thì cả nhà cậu chìm trong lặng yên, có chăng là tiếng nấc nhẹ len lén của mẹ, bà Salud Pascual. Bà biết việc ra đi của cậu con trai 17 tuổi đáng yêu của mình là hệ quả của một chuỗi dài xung khắc giữa cậu và bố, một người chỉ mong con trở thành luật sư hơn là một gã xướng ca lêu lổng.
Nhưng giấc mơ của ông về cậu con trai cả không bao giờ tìm được điểm đáp. Cứ càng giơ roi quật thì Freddie Aguilar lại càng dìm giấc mơ của ông xuống đáy.
Thật ra Freddie Aguilar đã từng rất thần tượng bố mình, ông Gregorio Aguilar, khi cậu còn bé. Lúc ấy, cả nhà đang sống khá sung túc ở thị trấn Isabela nơi cậu và 4 người em tận hưởng tuổi thơ ấm áp trong một căn biệt thự sang trọng. Khi đó, mẹ cậu còn dắt cậu con trai đi thi hát tại địa phương và thậm chí đoạt giải nhì. Nhưng Aguilar lúc ấy lại mê… súng, nhất là khi thấy bố cậu với khẩu súng chỉ có 3 viên đạn đã bắn chết một thủ lĩnh toán cướp đang tấn công một doanh nhân. Sự vụ ấy nổi tiếng đến độ cư dân thị trấn Isabela nhất loạt bầu ông Gregorio Aguilar làm cảnh sát trưởng. Và thế là từ một người chuyên môi giới bất động sản ông Gregorio Aguilar chuyển ngạch sang làm ông cò.
“Lớn lên con sẽ làm cảnh sát”, Freddie Aguilar khi ấy tâm sự với mẹ về giấc mơ đúng kiểu những câu chuyện miền viễn Tây. Nhưng, nếu thế thì nền âm nhạc Philippines đã mất đi một tài năng mà thay bằng ông cò Freddie Aguilar chưa chắc đã làm nên nghiệp lớn bởi tính lông bông và nổi loạn. Định mệnh cuối cùng đã xen vào ngay đúng lúc vàng son nhất. Tin cảnh sát trưởng Gregorio Aguilar bị thương nặng do heo rừng tấn công đã khiến cư dân Isabela sửng sốt và khiến gia đình ông bấn loạn. Ông bị thương nặng đến nỗi phải đưa ngay về bệnh viện thủ đô Manila chữa trị và các bác sĩ nói rằng ông sẽ phải nằm rất lâu.
Giấc mơ tan vỡ. Cả gia đình bán tất cả để bay về Manila và chức cảnh sát trưởng danh giá mãi mãi nằm lại thị trấn Isabela. Lúc này một mình bà Salud Pascual lo lắng mọi việc trong nhà. Bà không đủ thì giờ để nhận ra con trai đã lớn nhanh hơn sự vất vả của bà. Cậu để tóc dài, tụ bạ bạn bè, làm quen với guitar và bắt đầu chớm lấy lại tình yêu âm nhạc ngày nhỏ. Khi tình yêu ấy bắt đầu lớn lên và cháy bỏng thì bố cậu ra viện.
Cuộc đời ông Gregorio Aguilar đã thay đổi, từ một cảnh sát trưởng tiếng tăm, giờ ông trở thành thợ may, điểm tựa cuối cùng để gia đình ông không bị phá sản. Chỉ một thứ ông không thay đổi: sự nghiêm khắc. Và người mà ông áp dụng đầu tiên là Freddie Aguilar. Ông bắt cậu bỏ tập guitar, cắt tóc ngắn và học hành đàng hoàng để trở thành luật sư. Kèm theo đó là tiếng đập chát chúa của chiếc dây lưng. Càng bị bố đánh, tóc của Freddie Aguilar càng dài ra và máu chơi guitar của cậu càng được hun đúc. Cấm buổi sáng, Freddie chuyển sang tập buổi khuya khi cả nhà đã ngủ. Bị cất guitar, khuya cậu lại lẻn ra ngoài tập chơi cùng chiến hữu.
Cảnh đó kéo dài đến năm Freddie Aguilar 17 tuổi, lúc này chơi đàn đã rất nét, đang là một trong những tay hát rock hay nhất ở trường trung cấp kỹ thuật De Guzman. Một buổi tối, bố của Aguilar biết được cậu con trai sẽ đi thi hát ở trường và cấm tuyệt đối. Ông bảo Freddie sẽ nhận hậu quả nếu ra khỏi nhà. Đáp lại, Freddie vẫn quyết đi. Tối hôm ấy trở về nhà, đón chờ cậu là ông bố với dây thắt lưng đang hườm sẵn trong tay. Trận đòn ấy đã mở màn cho cuộc nổi loạn lớn nhất trong đời Freddie. Anh quyết định bỏ nhà ra đi.
Đi loanh quanh rồi cũng mỏi mệt
Freddie phải ra đi để tránh cái bóng quá lớn của người cha, cái bóng che luôn cả giấc mơ của anh, giấc mơ mà cha anh bảo rằng sẽ không đi đến đâu.
Không đến cũng phải đi. Freddie Aguilar đi từ phòng trà này tới hội quán khác, những nơi “đến cả một cái micro cũng không có mà đám đông thì toàn mùi mồ hôi” với tiền công 20 peso mỗi đêm (bằng 0,5 USD).
Cuộc sống cầm ca ở các phòng trà tồi tàn không cho Freddie một mơ mộng nào cao hơn số tiền anh kiếm được. Không những thế, cuộc vui ấy đã lôi Freddie vào những cơn chè chén, bài bạc đến mụ người. Từ một cậu con trai trong gia đình vương giả, giờ thì Freddie phải giặt giũ và nấu ăn từng bữa, ở chung với nhiều hạng người và mỗi tối chờ lượt lên hát.
Hơn 5 năm trời sống như vậy đã khiến Freddie lâm vào cảnh đau khổ vì… nhớ nhà. Lúc này sự hiếu thắng của anh đã ngã gục và giờ phải sống trong tình cảnh giống như một kẻ đang chạy trốn.
Trong tâm trạng ấy, những dòng đầu tiên của bài hát Anak (tiếng Philippines có nghĩa là con trai hay con gái của tôi) đã ra đời. Đó là năm 1976 khi Freddie Aguilar vừa tròn 23 tuổi.
Anak là câu chuyện cuộc đời của một đứa con với phần mở đầu khá thống thiết: “Khi bạn được sinh ra trong thế giới này thì đó là giấc mơ có thật của cha mẹ bạn, là lời cầu khẩn của họ đã thành sự thật”. Bài hát là sự hối lỗi của đứa con đã làm đau lòng cha mẹ, những ca từ như thể những dòng sữa mẹ chảy ra và nuôi lớn đứa con để rồi một ngày nó trở nên ương bướng...
Freddie đã thu bản mộc vào băng cassette và khi nghe lại anh đã khóc ròng. Tối hôm ấy, khi Freddie cầm đàn và hát bài hát này đã có rất nhiều người khóc theo.
Câu chuyện sau đó là một kết thúc đầy nước mắt. Freddie Aguilar trở về nhà. Đón anh với vòng tay rộng mở là ông Gregorio Aguilar. Ông ôm anh vào lòng và bảo rằng: “Giờ thì con đã hiểu cuộc đời là như thế nào rồi phải không?”. Mẹ anh, bà Salud Pascual, ôm chầm lấy Freddie nức nở.
Sau đó, Freddie đưa cho cha mẹ mảnh giấy là lời bài hát Anak. Đọc xong thì cả 3 người cùng ôm nhau khóc.
Thăng hoa
Ông Gregorio Aguilar sau đó chấp nhận để cậu con trai theo nghiệp nhạc nhưng đau buồn là ông lại ra đi trước khi thấy cậu thành danh. Năm 1978 Freddie Aguilar bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại thông báo, bài hát Anak của anh đã được vào chung khảo cuộc thi âm nhạc lớn nhất lúc ấy ở Philippines, Metropop Song Festival. Bạn của anh đã gửi demo cassette bài hát này cho ban tổ chức và nó được cấp giấy thông hành.
Đêm chung kết chỉ có 14 ca khúc dự thi và màn biểu diễn của Freddie là cuối cùng. Và lúc ấy, như phần đầu, Freddie đang điên tiết khi ban tổ chức đề nghị anh để người khác hát. “Đây là bài hát dành tặng cha mẹ tôi và chắc chắn không ai được hát ngoài tôi”.
Cuối cùng ban tổ chức nhượng bộ và Freddie ôm đàn ra giữa sân khấu thể hiện. Phần trình diễn của anh không giống ai trước đó bởi không có dàn nhạc, bởi anh là một gã vô danh chằng ai biết trước đó. Nhưng Freddie đã hát bằng tất cả trái tim, anh đánh thức cảm xúc bên trong tâm hồn của khán giả, khơi tiếng lòng của mỗi người con với đấng sinh thành. Hát xong, gần 30.000 người đã đứng dậy vỗ tay vang dội. Nhưng kết quả cuối cùng Freddie Aguilar đứng… gần đội sổ.
Một lần nữa định mệnh lại can thiệp. Dù Anak không giành được bất kỳ giải thưởng nào nhưng nó đã trở thành bài hát được nhắc đến nhiều nhất tại cuộc thi. Đến nỗi ông Vic del Rosario Jr., chủ tịch hãng đĩa Vicor đã ký ngay hợp đồng với Freddie Aguilar và biến Anak thành một “hit” lớn nhất trong lịch sử nhạc trẻ Philippines. Chỉ một thời gian ngắn, nó được cover qua 59 phiên bản với 36 ngôn ngữ. Tại Việt Nam bài này rất nổi tiếng qua phiên bản Việt ngữ của Cẩm Vân (Con yêu). Từ đó trở đi Freddie trở thành một huyền thoại.
Tuy nhiên, điều đó không lớn bằng việc Anak đã trở thành sợi dây gắn kết tình thân trong gia đình Freddie. “Cha tôi đã mất trước khi thấy tôi thành công nhưng mẹ tôi thì đã chứng kiến. Bà là người hiểu rõ nhất những ước muốn của tôi và tôi tin rằng khi tạ thế bà đã mỉm cười mãn nguyện”.
Theo Kha Anh (Phunuonline)
Video bản gốc trong comment nhé.
----------------------
dtPro MyHouse - Báo giá nhanh, dễ trúng thầu và thi công có lời